Tuesday, October 21, 2014

ĐÓN BẠN



Sống ở miền Nam California một thời gian khá lâu, nơi có rất đông người Việt cư ngụ sống tại đây. Một miền đất ấm quanh năm, có nhiều cơ hội cho công ăn việc làm, là nơi mang cuộc sống mới và niềm hy vọng cho nhiều sắc dân trong đó người Việt Nam. Hoài bảo của những người xa quê hương là xây dựng một cộng đồng mới, tụ tập lại những đồng hương, người thân, bạn bè sống rải rác khắp mọi nơi.
Khi đến Cali sinh sống, những năm đầu tương đối hơi vất vả nhưng rồi đâu cũng vào đó, cũng có một cuộc sống, một sự nghiệp cũng như những người khác. Nhưng nơi đây lúc nào cũng hy vọng tìm lại những người thân, người quen và những người bạn cùng mái trường, cùng lớp khi còn sống tại quê nhà. Có một số bạn bè thân yêu của tôi cũng đã đến định cư tại miền Nam Cali như Quận Cam (Orange County) và San Diego, đó là Anh Lý văn Hòa, Nguyễn văn Hải, Lý Chí Đoàn.
Trong những năm đầu tại Cali, rất may mắn có liên lạc được với anh Lý văn Hòa qua địa chỉ của em gái anh Hòa vì em gái của anh Hòa và em gái của tôi là bạn học cùng lớp, nên đã có thăm hỏi với nhau vào lúc đó.  Anh Hòa và tôi trò chuyện với nhau rất lâu, nhưng rất tiếc không đươc gặp mặt, vì công ăn việc làm anh đã chuyển đến một thành phố khác cách xa Quận Cam khoảng 2,5 giờ lái xe đi về hướng bắc và có lẽ đó là lần cuối anh em tôi hàn uyên tâm sự. Trong thời gian đó cũng dọn nhà nhiều lần, đánh mất số điện thoại nên sau đó không còn liên lạc với anh Lý Hòa được nữa.
Xa hơn nữa, đi về phía nam Chí Đoàn hiện đang sống ở đó. Thành phố San Diego là thành phố có những bải biển đẹp và nước biển lúc nào cũng ấm không giống như ở quận Cam hay Los Angeles. Lúc xưa Chí Đoàn cư ngụ ở thành phố Poway một thời gian dài (Poway và San Diego cách nhau khoảng 1 giờ lái xe, đi về phía hướng đông), nhưng sau này vì công ăn việc làm nên kéo về San Diego để thuận tiện hơn.  Anh Hòa cũng không biết rõ địa chỉ của Chí Đoàn trong khoảng thời gian đó.
Thời gian thấm thoát trôi qua, và đã trôi qua và gần đây nhất, một chị bạn cùng lớp đã gọi đến thăm. Chị Thanh đã cung cấp một số tin tức của bạn bè cùng lớp, trong đó có Chí Đoàn, một người bạn trong nhóm 5 đứa thường hay chơi chung với nhau. Từ tấm hình trên Facebook của Chí Đoàn chụp chung với cô vợ trẻ xinh đẹp, tôi đã nhờ một người bạn vào Facebook để liên lạc với Chí Đoàn. May thay vài ngày sau, vào một buổi sáng, Chí Đoàn gọi đến và hỏi:
- Có phải Ngữ lớp C6 ở Mỹ Tho không?
- Ngữ đây, tìm Đoàn lâu lắm mới được, Ngữ nhờ anh bạn người Phillipine làm cùng hãng vào trang Facebook email cho Đoàn.
- Chí Đoàn nói:
- Lâu lâu mới vào check email một lần, xém chút nữa là xóa rồi vì thấy tên lạ, nhưng nhờ thấy chữ 12C6 nên mở email, mới biết là Ngữ.
Chí Đoàn và tôi nói chuyện với nhau khá lâu và cho biết khi xưa anh Nguyễn văn Hải có đến định tìm chỗ ở chung với Chí Đoàn, nhưng vì lúc đó mới qua Hoa Kỳ, ở chia phòng với người khác nên không giúp được. Một tuần sau Anh Hải đã tự chuyển đi nơi khác và đến nay không có tin tức.
Chí Đoàn và tôi có điện thoại qua lại vài lần. Hai người nói chuyện cũng như ngày nào khi còn ở Việt Nam. Sau bao năm lăn lộn trong cuộc sống tôi thấy Chí Đoàn là người rất lanh lẹ và từng trải. Cuộc sồng gia đình của Chí Đoàn trước đây có nhiều trắc trở nhưng Chí Đoàn có nói là trời còn thương, trong cái rủi lại có cái may mắn nên được một người quen thương giới thiệu một người bạn đời khác. Mặc dầu tuổi nhỏ hơn Chí Đoàn nhiều nhưng sống với nhau rất đầm ấm, tính ra đến nay đã hơn 7 năm.
Hôm Chí Đoàn và gia đình có đến thăm gia đình tôi, có giới thiệu người vợ rất trẻ và xinh đẹp mà Chí Đoàn đã về VN cưới và mang qua Hoa Kỳ. Trước mắt tôi thì thật là một cặp vợ chồng rất hạnh phúc. Sau khi chuyện trò, giới thiệu gia đình hai bên, chúng tôi trực chỉ đến khu phố Little Saigon, nơi tập trung khu phố buôn bán của người Việt Nam  để tìm chút đồ ăn trưa để trám bao tử vì từ sáng đến giờ chưa có gì trong bụng.
- Đoàn nói
-Bây giờ mình đi kiếm cái gì để ăn, đói bụng quá.
-Ngữ trả lời
-Muốn ăn cái gì, thích món gì thì Ngữ sẽ dẫn đến.
- Đoàn nói, Ngữ là thổ địa ở đây, đi đâu cũng được.
- Vợ của Chí Đoàn xen vào và nói, “ăn phở Đa Kao”
- Trong bụng Ngữ không nhớ phở Đa Kao ở đâu vì ít khi đi ăn ở ngoài vì sợ bột ngọt,
- Ngữ tiếp lời, không biết mấy người có ăn phở Kobe chưa, thôi thì lái xe theo Ngữ, tụi mình sẽ đến đó.
Chúng tôi đã đến tiệm Phở Pasteur Hiền Vương, nằm trong thương xá Tam Đa ở góc đường Westminster và Brookhurst. Tiệm phở và restaurant này lúc nào cũng đông khách, phải lấy số, khi nào bàn trống thì mới được mời vào.
Phở Kobe là phở “chính thống” nên khẩu vị ngon dở là ở mỗi người. Ðiểm khác biệt chính là ở món “thịt bò Kobe.” Những miếng thịt bò được xếp trên đĩa có màu đỏ hồng tươi lẫn trong đó có những đường mỡ mảnh dẻ chạy theo vòng vèo, rất đúng với hình hài “Kobe.”


Theo lời “truyền khẩu” thì bò Kobe được chăm sóc rất kỹ từ khi còn bé. Bò được nuôi bằng lúa non, cỏ tươi, uống nước tinh khiết và bia. Hàng ngày bò được tắm bằng nước ấm, được massage bằng chổi rơm, và được nghe nhạc giao hưởng của Mozart, Beethoven để thư giãn.!!!
Sau khi thưởng thức món phở Kobe, hai chúng tôi có chụp một vài tấm hình lưu niệm và giả từ, hẹn sẽ gặp nhau khi khác.

Trọng Ngữ


       Chí Đoàn và Ngữ trước thương xá Tam Đa tại Little Saigon, Garden Grove, USA



Saturday, October 11, 2014

Người bạn sứ giả

        


Cách đây không lâu, chừng vài tháng có một chị bạn học cùng lớp có điện thoại đến thăm tôi. Thật là một việc rất bất ngờ trong 36 năm kể từ ngày lìa xa đất Mỹ Tho, mặc dù tôi đã thăm hỏi tìm kiếm các bạn học trong suốt thời gian đó nhưng hầu như không có kết quả.
Còn nhớ rõ, hôm đó, một ngày chiều Chúa Nhật đẹp trời, một cú điện thoại gọi đến.
“Có biết ai đây không”
Tôi trả lời:
“ Biết chớ”, (lúc trước đó chị bạn đã gọi đến số phone ở nhà và người nhà đã thông báo là có chị Thanh bạn học cùng lớp gọi thăm và người nhà đã cho số phone cầm tay của tôi).
“Chị Thành hay Thanh gì đó phải không, lúc xưa có làm lớp trưởng hay phó gì đó”.
Chị Thanh và tôi nói chuyện nay và xưa với nhau rất nhiều, trên 1 tiếng đồng hồ.
Chị cho biết, đã định cư tại Pháp quốc lâu rồi, từ những năm đầu thập niên 80. Chị đã có gia đình và 3 đứa con và bây giờ cũng có cháu ngoại.
Chị Thanh đã cho tôi rất nhiều tin tức về các bạn học và những tấm hình chụp chung lúc ra trường mà tôi đã đánh mất. Chị cũng giúp tôi liên lạc được với Anh Hồng Minh, Kim Long, Anh Dũng, Thành Hưng, Chí Đoàn, chị Ngọc Hoa, v.v.. Trong lòng rất cám ơn chị vì những hy vọng và hoài bảo từ lâu nay đã trở thành hiện thực và đối với tôi chị Thanh là một sợi dây liên lạc, một sứ giả do một người bạn quí mến nhất đã gởi đến cho tôi. Rất cám ơn hai chị.

Trọng Ngữ


                    

Friday, October 3, 2014

Xin tri ân




Xin gởi tặng bạn Tôn Anh Dũng.



Cách đây 35 năm – ngày 09 tháng 8 năm 1979 – ngày con tàu nhân đạo CAP ANAMUR xuất phát trực chỉ biển Đông để cứu vớt thuyền nhân Việt Nam trốn chạy nạn CS. Từ 1979 đến 1986, các con tàu CAP ANAMUR đã cứu vớt được 11300 thuyền nhân tỵ nạn Việt Nam, sau đó hầu hết được đưa về thành phố cảng Hamburg miền bắc nước Đức. đại đa số hiện đang sống ổn định và thành công trên quê hương thứ hai của họ, đó là Đức quốc.

         Anh Dũng trả lời phỏng vấn đài VATV tại buổi lể kỷ niệm 35 năm con tàu Cap Anamur
              đã cứu vớt 11300 thuyền nhân tại thành phố cảng Hamburg.
                          
Trong số các thuyền nhân này có mang một người thanh niên vừa tốt nghiệp lớp 12C6 trường trung học phổ thông Nguyễn Đình Chiểu Mỹ Tho, đó là anh Tôn Anh Dũng. Anh Dũng và cả gia đình  đã mang một hoài bảo đi tìm tự do, tìm một vùng đất mới để tạo một tương lai tốt đẹp hơn trong hoàn cảnh khó khăn lúc bấy giờ. Hành trình của anh rất gian khổ và đau thương, có lần đã đến bờ bến nhưng lại bị kéo ra biển cả rồi trôi vạc về VN, biển cả đã lấy đi những người thân nhất trong gia đình, trong đó có mẹ và mấy đứa em. Lần cuối cùng Anh Dũng được bạn bè giúp đở, và chuyến đi này thuyền cũng lênh đênh trên biển mấy ngày. May thay con tàu nhân đạo Cap Anamur xuất hiện, cứu vớt anh và các thuyền nhân khác rồi đưa thẳng về Đức quốc . Cuộc đời và ước vọng của Anh Dũng đã sống lại từ đây.

Nhớ lại thuở còn đi học, Anh Dũng là một trong 5 người bạn thân nhất, thường hay đi chơi, sinh hoạt với nhau. Chúng tôi thường hay đến nhà Anh Dũng ở bến xe để đành bóng bàn, nhiều khi ở đó chơi cả ngày quên cả về nhà. Anh Dũng rất thích thể thao, mỗi lần có đá banh giao hữu giữa các lớp học, đều không vắng bóng anh ngay cả những trận bóng chuyền tranh tài cũng vậy. Về môn điền kinh, môn chạy cự ly ngắn, mỗi lần chạy thi đua trong lớp, thì hai chúng tôi lúc nào cũng chạy cặp chung (lớp C6 chỉ có 4 người chạy nhanh, đó là Anh Nghiệp, Anh Công, Anh Dũng và tôi), vì sức chạy ngang như nhau. Anh Dũng và chúng tôi có với nhau rất nhiều kỷ niệm trong suốt 3 năm tại trường trung học Nguyễn Đình Chiểu Mỹ Tho.

Đã qua hơn 36 năm, Anh Dũng định cư ở phương trời Âu Châu hầu như không liên lạc được với bạn bè nhất là tại  Hoa Kỳ. Lúc ban đầu, Anh Dũng và tôi có liên lạc  qua lại một hai lần, rồi sau đó nhiều lần thay đổi chỗ ở, lo việc học hành và mưu sinh nên mất liên lạc và mãi đến bây giờ nhờ chị Thanh cho biết email nên mới liên lạc lại được.

Hôm gởi email “Tìm bạn cũ 12C6” cho Anh Dũng, trong lòng rất lo lắng vì không biết sẽ được hay không. Một ngày chờ đợi, rồi hai ngày đợi chờ và email Anh Dũng đã hồi âm. Trong email Dũng có viết :” Đúng rồi mình là Tôn Anh Dũng học cùng lớp với Ngữ đây. Nhớ là Ngữ định cư ở Canada phải không? Ngữ hiện giờ đang ở đâu, tiểu bang nào? Đã lập gia đình chưa? . ..“. Nổi niềm vui mừng lúc này thật khó tả, vì đã tìm được một người bạn học xưa cũng cùng cảnh ngộ và lý tưởng. Mặc dù gia đình tôi đã rời VN vào tháng 11 năm 1978 và Tôn Anh Dũng  vào năm 1980 nhưng điều trùng hợp cả hai đều được tàu Tây Đức cứu vớt. Anh Dũng không có bà con thân thuộc nên được đưa thẳng về Đức, riêng gia đình tôi vì đã có giấy nhập cảnh vào Canada trước 30 tháng 4-1975 nên được trực tiếp đưa đi Canada để đoàn tụ gia đình.

Qua bao ngày tháng sống trên miền đất mới, chúng tôi đều nhớ đến những ngày tháng và phút giây sinh tử đó. Chúng tôi luôn cám ơn nước Đức đã cứu lấy chúng tôi, mở bàn tay nhân ái đón tiếp và mời đón chúng tôi vào để sống chung, tạo dựng một tương lai mới. Không những nước Đức mà còn có Canada, Pháp, Hoa Kỳ, và các nước khác cũng tham gia như vậy.

Xin thành thật tri ân đến các quốc gia có lòng bác ái đã cứu lấy và cưu mang thuyền nhân chúng tôi.

trongngu12c6@yahoo.com 
Ngày 3 tháng 10 năm 2014