Tuesday, September 23, 2014

LƯỢC SỬ TRƯỜNG TRUNG HỌC LÊ NGỌC HÂN

LƯỢC SỬ
TRƯỜNG TRUNG HỌC LÊ NGỌC HÂN
                                                      Hoài Văn

                        alt

Quan niệm “Trọng nam khinh nữ” còn tồn tại khá lâu đây đó trên thế giới, cho nên ngày xưa số thiếu nữ được đi học rất hạn chế. Cách nay không đầy một thế kỷ ở Việt Nam chưa có trường dành riêng cho nữ sinh, ngay cả ở cấp tiểu học. 
Giở trang lịch sử giáo dục Việt Nam, nói riêng ở Nam kỳ, sau ngày người Pháp chiếm đóng, ta thấy các ngôi trường đầu tiên họ thành lập đều dành cho nam sinh. Tính theo thời gian: 
             1.- Trường Trung học D’Adran (Collège D’Adran) thành lập vào năm 1874 dành cho con em người Pháp và gia đình người công giáo. 
             2.- Trường Collège Indigène hay Ttrường Trung học bản xứ xây cất cũng vào năm 1874 sau đổi thành Trung học Chasseloup Laubat. Năm 1954 đổi thành trường Trung học Jean Jacques Rousseau. Năm 1967 lại đổi tên Trung học Lê Quý Đôn và bây giờ vẫn là Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn. 
3.- Trường Collège de Mỹ Tho hay là Trung học Mỹ Tho thành lập năm 1879 tại Mỹ Tho, sau đổi lại Collège Le Myre de Villers, phát triển thành Lycée Nguyễn Đình Chiểu, sau đó là Trung học Nguyễn Đình Chiểu, hiện nay là trường Trung Học Phổ Thông (THPT) Nguyễn Đình Chiểu. 
4.- Trường Collège de Cần Thơ hay là Trung học Cần Thơ thành lập năm 1917 tại Cần Thơ, sau đổi lại là Trung học Phan Thanh Giản nay là trường THPT. Châu Văn Liêm. 
5.- Trường Lycée Pétrus Ký được thành lập vào năm 1927 tại Sài Gòn và hiện nay là Trường THPT Lê Hồng Phong. 
Những trường nầy chỉ thu nhận học sinh nam nếu có nữ thì chỉ là những con số không đáng kể. Vậy khi nào ở Nam kỳ mới có trường trung học dành riêng cho nữ sinh?  
BỐN TRƯỜNG TRUNG HỌC NỮ ĐẦU TIÊN MIỀN NAM

1.- Tính theo thời gian, trường Trung học đầu tiên dành riêng cho nữ sinh ở Nam Kỳ là Trường Nữ Sinh Áo Tím (École des jeunes filles) tại Sài Gòn xây cất từ năm 1913 và khai giảng vào năm 1915. Vào năm 1953 trường nầy được đổi tên là trường Nữ Trung học Gia Long giờ là Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai. 
2.- Ngôi trường thứ hai là trường Nữ Trung học Marie Curie, xây dựng năm 1915 tị Sài Gòn và khai giảng năm 1918 thu nhận nữ sinh người Pháp, hay có quốc tịch Pháp. Thoạt đầu trường mang tên Ecole Primaire Supérieure des Jeunes Filles tức là Trường Nữ Cao đẳng Tiểu học. Bây giờ trường THPT Marie Curie.. 
3.- Ngôi trường trung học nữ thứ ba là trường Trung học Trưng Vương vẫn ở Sài Gòn ra đời vào năm 1955 tiếp nhận nữ sinh từ Bắc vào Nam. Bây giờ là Trường THPT Trưng Vương. 
4.-Ngôi trường trung học nữ thứ tư là trường Trung học Lê Ngọc Hân xây dựng vào năm 1957 tại Mỹ Tho. Lúc đầu trường mang tên Trường Nữ Trung học Mỹ Tho sau đó đổi lại là Trường Trung Học Lê Ngọc Hân giờ là Trường Trung học Cơ sở (THCS) Lê Ngọc Hân. 
TRƯỜNG TRUNG HỌC LÊ NGỌC HÂN. 
1. Tầm vóc 
Trường Nữ Trung học Mỹ Tho rồi sau đó đổi thành trường Nữ Trung học Lê Ngọc Hân (xin nói về tên trường ở đoạn sau) được thành lập với một vai trò quan trọng là thu nhận học sinh nữ của các tỉnh Định Tường, Gò Công, Bến Tre, Tân An nối gót đàn anh là trường Nguyễn Đình Chiểu trước kia cũng nhận học sinh một số tỉnh miền Trung Tây Nam Bộ.. 
Trường Nữ Trung học Lê Ngọc Hân còn có một giá trị khá dày trong lịch sử giáo dục, như nói ở trên, là một ngôi trường nữ trung học hàng thứ tư được thành lập, trước hơn trường Nữ Trung học Đoàn Thị Điểm ở Cần Thơ, trước hơn trường Nữ Trung học Lê Văn Duyệt ở Gia Định… 
Còn nếu tính theo tầm vóc hệ giáo dục thì trường Lê Ngọc Hân ngay từ ngày thành lập đã là ngôi trường Trung học có chương trình giáo dục hệ Tú Tài, một trường Trung học Đệ Nhị cấp(Enseignement secondaire) một lycée đàng hoàng tức là hệ THPT, chớ không phải là hệ THCS như bây giờ. 
2. Vị trí xây cất của trường 
Ngày xưa khi quy hoạch chương trình thiết kế đô thị thành phố Mỹ Tho, người Pháp đã ưu tiên dành cho giáo dục 2 thửa đất rộng lớn tại đại lộ Hùng Vương, ngay giũa trung tâm thành phố. Đó là khu tứ giác Hùng Vương-Lê Đại Hành-Nam kỳ Khỡi nghĩa -Ngô Quyền-Hùng Vương dành cho giáo dục Tiểu học. Khu tứ giác đối diện dành cho giáo dục Trung học. 
Khi có nhu cầu thành lập một trường trung học dành cho nữ sinh, nơi khu đất dành cho trung học(NĐC) không còn chỗ. Do đó có một sự dàn xếp và chuyển nhượng của chính quyền giữa hai bên chủ quản Trung học và Tiểu học để cho ngôi trường trung học nữ được xây dựng bên phần đất của Tiểu hoc. 
Do đó, ngôi Trường Lê Ngọc Hân được xây cất nơi phần đất hiện hữu thuộc về Tiểu học và vị trí nằm sát cạnh Ty Tiểu học xưa, sau đó là Sở Học chánh bây giờ là Sở Giáo dục và Đào tạo. 
3. Công cuộc xây cất 
Cơ chế hành chánh lúc đó đặt các trường học theo hệ thống ngang đối với cấp Tỉnh (Định Tường) về hành chánh, còn hệ thống dọc đối với cấp Bộ (Giáo dục) về ngân sách, về tô chức về quản lý nhân viên và nhất là về chuyên môn. Do vậy, trường Lê Ngọc Hân được xây cất là do chương trình của Bộ Giáo Dục. 
Ngân sách xây cất một phần do ngân sách nhà nước, một phần do quỹ viện trợ nước ngoài. Lúc bấy giờ cơ quan thụ hưởng chịu trách nhiệm xây cất lâm thời do Ban Giám đốc Trường Trung học Nguyễn Đình Chiểu đứng đầu là thầy Phạm Văn Lược, Hiệu trưởng. 
Khởi công năm 1957 không có tài liệu để có ngày chính xác. 
Hoàn tất công tác và nhận học sinh vào ngày đầu khai giảng năm học 1957- 1958 tc là 26.8.1957 ngày mà nhà trường lấy làm ngày kỷ niệm. 
Qui mô ban đầu: Ngay đợt đầu xây cất đã có 2 dãy lầu, một trệt một lầu. Dãy tiền diện gồm 14 phòng day ra đường Ngô Quyền. Dãy thứ hai gồm 10 phòng nằm hơi chếch về phía sau của dãy trước sát bên Ty Tiểu học sau là Sở Học chánh. Dãy trước dùng làm văn phòng và phòng học cho các lớp đệ tứ đến đệ nhị. Những phòng của dãy sau dành hết cho phòng học các lớp còn lại.
                       
             alt

4. Ngày nhận học sinh đầu tiên 
Do nhu cầu có một một trường trung học nữ riêng biệt nên ngày đầu năm học 1957-1958, trường mở cửa chỉ để đón nhận học sinh nữ từ bên Trường Trung học Nguyễn Đình Chiểu vốn là trường hỗn hợp (mixte) đưa sang. Hôm ấy tất cả số nữ sinh của trường Nguyễn Đình Chiểu đều được đưa qua hết bên trường Lê Ngọc Hân chỉ trừ số nữ sinh học lớp đệ nhị C, ban văn chương, vẫn phải ở lại Nguyễn Đình Chiểu, vì sĩ số ban nầy không đủ để thành lập một lớp bên trường mới.

             alt

5. Ban Giám đốc. 
Thoạt đầu trường Lê Ngọc Hân được xem như là chi nhánh của trường Nguyễn Đình Chiểu nên từ công việc hành chánh, nhân viên, kế toán đến học vụ, giảng huấn, giám thị kể cả thư viện và phòng thí nghiệm đều do trường Nguyễn Đình Chiểu hoặc chi viện hoặc cho mượn để chờ Bộ Giáo dục trực tiếp điều hành. Từ bên trường Nguyễn Đinh Chiểu, chính thầy Phạm Văn Lược, Hiệu trưởng, thầy Lê Văn Chí. Tổng giám thị, thầy Võ Văn Định Giám học kể cả thầy Dương Văn Thông phụ trách kế toán cũng như thầy Đặng Văn Nữ phụ trách học vụ, thầy Trần Văn Kế phụ trách phòng thí nghiệm….ngày ngày cũng phải qua yểm trợ cho công việc được trôi chảy. 
Mãi đến năm học 1960-1961, Bộ Giáo duc mới cử bà Nguyễn Như Hằng, một giáo sư đệ nhị cấp về đảm nhiệm chức vụ Hiệu trưởng cùng với nhân viên cho các bộ phận khác của trường. 

     TÊN TRƯỜNG 

alt
Cô Lớn (Trái) Cô Diệu Thông (phải)
Khi Bà Nguyễn Như Hằng về làm Hiệu trưởng, trường chưa có tên nên có một cuộc họp giữa ban Giám đốc, giáo sư và hội Phụ huynh học sinh để chọn tên. Vì là trường nữ nên có nêu ba danh nhân lịch sử nữ là: Trưng Vương, Bà Triệu, Âu Cơ. Trưng Vương thì lúc bấy giờ đã là tên của trường Nữ Tiểu học rồi. Bà Triệu thì cũng có đâu đó rồi. Âu Cơ được chọn nhưng trong một thời gian ngắn vì nghe giống trường mẫu giáo quá nên huỷ bỏ. Cuối cùng tên trường là Trường Nữ Trung Học Mỹ Tho. 
Mãi đến năm 1966 việc đặt tên lại cho trường dưới thời kỳ bà Nguyễn Diệu Thông làm Hiệu trưởng được khởi xướng trở lại. Và trường chính thức mang tên Trường Nữ Trung học Lê Ngọc Hân tồn tại đến ngày 1.5.1975 
Trường bắt đầu hoạt động và nhanh chóng góp mặt cùng trường Nam Nguyễn Đình Chiểu giảng dạy chương trình tú tài (Enseignement secondaire) đúng phong cách của một Lycée nữ (Trung học Cấp III) trong tỉnh nhà. 
Lúc đầu các lớp Ban C (văn chương), còn gởi bên trường Nguyễn Đình Chiểu, nay thì trường đủ điều kiện để đảm nhận lại. Trường vẫn chia ra hai cấp: đệ nhất cấp (ĐIC) và đệ nhị cấp (ĐIIC). 
Sau một thời gian ngắn, trường đã có đầy đủ các lớp cho các môn Toán, Khoa học Tự nhiên, Văn chương (A, B, C) để học sinh có đủ điều kiện và trình độ ra thi tú tài ngang ngửa với tất cả nam sinh trong toàn quốc.
Trường nguyên thủy là một trường Nữ Trung học, với tên Lê Ngọc Hân, nguyên là Bắc cung Hoàng hậu của vua Quang Trung Nguyễn Huệ, một phụ nữ tài sắc vẹn toàn, thật sự đã gây một ấn tượng sâu đậm trong lòng người nhất là trong giới nữ sinh, đã từng một thời vang bóng trong hệ thống giáo dục Miền Nam và mãi đến sau nầy. 
NHỮNG VỊ HIỆU TRƯỞNG trước 1975

-        Bà Nguyễn Như Hằng

-        Bà Dương Thị Lớn

                    -        Bà Nguyễn Diệu Thông.


Trích từ NĐC-LNH ÚC CHÂU

No comments:

Post a Comment